Kỉ niệm Quốc khánh Pháp 14-7-1789
JULES VALLÈS
Và bộ ba tiểu thuyết tự truyện Jacques Vingtras “Không gì rực rỡ bằng Paris trong lửa đạn. Không gì trong sáng bằng vầng trán người khởi nghĩa Paris". (Louis Aragon)
Nói đến công xã Paris, nói đến người khởi nghĩa Paris, ngoài Eugène Pottier – tác giả của bài Quốc tế ca (L'internationale), tiếng kèn hiệu triệu của giai cấp vô sản toàn thế giới – người đầu tiên được trân trọng nhắc đến chính là người chiến sĩ kiên cường, nhà báo, nhà văn Pháp lớn nhất của Cách mạng Công xã Paris: Jules Vallès (11.6.1832 – 14.2.1885).
Jules Vallès sinh tại thị trấn Puy (Le Puy-en-Velay, Haute-Loire), miền Nam nước Pháp. Cha là một giám thị, sau trở thành giáo viên ở một trường trung học, sống nghèo túng và luôn muốn leo lên cấp bậc trên song không đạt mục đích và đã chết trong đau khổ. Mẹ là một nông dân hãnh tiến, muốn con sau này có danh vọng nên đã giáo dục con một cách hà khắc bằng roi vọt. Vốn là một cậu bé yêu tự do, Vallès ngấm ngầm hay công khai chống lại những tính toán nhỏ nhen của cha mẹ. Gia đình là một nhà tù, nhà trường thì hủ bại, bảo thủ chỉ biết nhồi nhét những kiến thức vô ích, lạc hậu, phản dân chủ một cách hà khắc.
Cách Mạng tháng 2 năm 1848 bùng nổ, 16 tuổi, Vallès đã sớm nhận thức được lý tưởng cộng hòa và dân chủ, tìm thấy ở đó con đường đi của cuộc đời mình. Gia đình lo sợ trước khuynh hướng chính trị ấy nên gửi Jules lên Paris học. Nhưng, chính mảnh đất “chôn rau của cách mạng” đã đưa Jules đến và gắn bó với phong trào sinh viên cách mạng, hăng hái tham gia biểu tình và cuộc âm mưu mưu sát Napoléon III. Hoảng hốt, cha ông bắt ông về Nantes và giam ông trong nhà thương điên hai tháng trời. 1857, cha chết, Jules như con chim xổ lồng, thoát li gia đình và nhà trường, lên Paris sống đời độc lập, tự do. Ông đã làm mọi nghề để kiếm sống: dạy tư, làm thư kí, viết báo, kể cả khuân vác tại bến xe … mà lúc nào cái đói, cái rét vẫn luôn là bóng ma ám ảnh. Thế nhưng Jules vẫn kiên quyết đi theo lí tưởng của mình. Làm báo, hoạt động chính trị, tham gia quốc tế cộng sản… Năm 1870 tham gia công xã Paris , là uỷ viên phụ trách tờ báo Le Cri du peuple - Journal politique qoutidien. Đầu năm 1871, Uỷ ban trung ương cử ông chỉnh sửa lời kêu gọi đầu tiên "Affiche Rouge" chuẩn bị cho sự ra đời của Công xã Paris , đăng ngày 7-1-1871. Sau sự kiện đó, ông bị kêu án 6 tháng tù nhưng trốn thoát và Le Cri du people bị cấm xuất hiện. Nhưng 18-3, Công xã chính thức tuyên bố, ngày 21-3-1871 Le Cri du people tái xuất hiện và trở thành một trong những tờ báo thành công nhất của Công xã cùng với Père Duchêne. 26-3-1871 ông được bầu làm Uỷ viên Giáo dục của Công xã. Ngày 21 tháng năm quân đội Versailles nhập vào Paris qua Port Saint-Cloud, Công xã bị dìm trong “tuần lễ máu” (21-28-5), Jules Valles vẫn dũng cảm chiến đấu từ chiến lũy này sang chiến lũy khác, đến ngày cuối cùng của công xã (28.5.1871). Bị kết án tử hình vắng mặt, Jules cùng với người bạn kiên định của ông Gabriel Ranvier trốn sang Bỉ, rồi sống lưu vong ở Anh. Năm 1883, ông về nước và tiếp tục sáng tác đứng về phía giai cấp vô sản.
Ngày 14.2.1885, Jules Vallès chết vì bệnh tại Paris. Đám tang của ông trở thành một cuộc tuần hành của giai cấp vô sản. Mười vạn công nhân và hơn 50.000 nhân dân lao động đi sau linh cửu của ông với những lá cờ đỏ đi đầu. Hoảng hốt trước cuộc biểu tình yên lặng ấy, cảnh sát đã can thiệp thô bạo, đánh đập nhiều người và giật lá cờ xuống. Nhiều nhà văn thơ đã ca ngợi người chiến sĩ vẻ vang, người anh hùng bất khuất:
Mười vạn người bừng bừng thức dậy,
Tiễn đưa đến nghĩa trang
Ứng cử viên của người nghèo khổ
Đại biểu của những người bị bắn.”
(Eugène Pottier)
Chân dung Jules Vallès do Gustave Courbet vẽ
Sau tác phẩm đầu tay: Kim tiền ( L'Argent 1857), Vallès trở thành một nhà báo có uy tín với một ngòi bút châm biếm sắc sảo, một văn phong sục sôi cách mạng. 1865 ông xuất bản “Những người phiến loạn” gồm những bài báo hay nhất. 1867 cùng Emile Zola sáng lập tờ báo “Đường phố” (La Rue). 1869 in tiểu thuyết đầu tiên “Một người quý tộc”. 1870 cho ra đời tờ báo “Tiếng kêu của dân chúng” – cơ quan ngôn luận của công xã sau này, mỗi ngày phát hành mười vạn tờ. Công xã thất bại, phải lưu vong ở Anh nhưng ông vẫn hoài niệm về 72 ngày hào hùng rực lửa của công xã qua vở kịch “Công xã Paris” được viết từ 1873 – 1876. Và cũng trong những ngày sống thiếu thốn và đau khổ vì xa Tổ Quốc ấy, ông đã cho ra đời bộ tiểu thuyết tự truyện ba tập Jacques Vingtras có giá trị nhất trong văn nghiệp của ông.
Quan điểm về văn học của Jules Vallès rất rõ ràng: một tác phẩm nghệ thuật phải là một vũ khí đấu tranh. Ngòi bút của Vallès tràn đầy sức sống, góc cạnh, sắc bén với sức mạnh của văn phong báo chí: ngắn gọn nhưng mang một lượng thông tin to lớn, nhận xét sắc sảo, dữ dội mang tính động viên, hô hào, kêu gọi. Chúng ta có thể gặp những kiểu câu cầu khiến vang lên như những lời hiệu triệu: “Hỡi Paris vĩ đại ! …”, “Hỡi kèn ! Hãy vang lên trong gió ! Hỡi trống hãy rung lên nơi đồng ruộng”, “… Hãy ôm hôn tôi, người đồng chí” … “Hỡi đứa con của những kẻ tuyệt vọng, em sẽ là một người tự do !” ( Người khởi nghĩa ) đầy dẫy trong tác phẩm của ông. Vallès ít dùng màu sắc, ông hay dùng âm thanh và sự chuyển động của câu văn để miêu tả những biến động lớn của xã hội và con người những năm tháng lịch sử sôi động ấy của Paris.
Sự nghiệp văn chương của Jules Vallès không lớn lắm song là một đóng góp mới vào Văn học hiện thực chủ nghĩa thế kỉ XIX. Những bài báo, tiểu thuyết và kịch của ông đã tiếp tục sự nghiệp của Stendal, Balzac, … phơi bày cho mọi người thấy những sự dối trá, mục nát của xã hội tư sản Pháp thời Đế chế. Nhưng khác với các nhà văn hiện thực trước, tác phẩm của Vallès còn mở ra con đường phá bỏ xã hội đen tối ấy, xây dựng một tương lai ngời sáng. Đó là âm điệu mới của nền văn học Hiện thực Xã hội chủ nghĩa xuất hiện từ Công xã Paris. Đồng thời, tiếp tục Văn học lãng mạn tích cực của Victor Hugo, Vallès là nhà văn của những ước mơ cao cả về khát vọng tự do, công bằng, bác ái. Có thể nói “những đóng góp của ông về văn học đã mở ra những triển vọng tốt đẹp cho chủ nghĩa hiện thực phê phán đang bế tắc và đi vào con đường tuyệt vọng”. Cái nhìn tiến bộ và những đóng góp có ý nghĩa to lớn của Vallès đã bắt nguồn từ sự dứt khoát đứng hẳn về phía công nông và tinh thần cách mạng triệt để của ông.
Tác phẩm lớn nhất, có giá trị nhất của Jules Vallès là bộ ba tiểu thuyết tự truyện Jacques Vingtras dày 1132 trang, gồm 3 tập – 3 giai đoạn trong cuộc đời chính tác giả: Chú bé (L'enfant, 1879), Cậu Tú (Le Bachelier,1880) và Người khởi nghĩa (L’insurgé, 1882)). Tác phẩm ra đời trong những ngày Jules Vallès phải sống lưu vong ở Anh sau 8 năm ngày Công xã Paris thất bại, nhưng âm hưởng hào hùng và bi thương của 72 ngày sấm sét ấy vẫn sục sôi trong lòng người chiến sĩ kiên cường, anh dũng, trung thành. Nội dung tác phẩm kể lại con đường cay đắng, tủi nhục, bị đè nén, áp bức bất công của chính tác giả từ một chú bé đến khi tham gia cách mạng công xã Paris. Đó là những cuộc “nổi loạn” không ngừng để tự giải phóng khỏi tù ngục gia đình, trường học, con đường chân chính của một trí thức tiểu tư sản đến với quần chúng cách mạng và những cuộc khởi nghĩa, đến với lí tưởng xã hội chủ nghĩa.
Jacques là một cậu bé thông minh, học giỏi nhưng lại phải sống trong một gia đình tù ngục. Tuổi thơ của cậu ở nhà là roi vọt, ở trường là trừng phạt, nhục nhã. Để giữ miếng ăn, người cha lạnh lùng, độc ác, nhỏ nhen với con nhưng lại nhút nhát, luồn cúi trước cấp trên của cậu bé, và đã hi sinh cả tình cha con trước thế lực của đồng tiền và danh vọng. Còn người mẹ nông dân hãnh tiến, hợm hĩnh đầy ảo tưởng của cậu thì đổ hết mọi thất vọng lên đầu đứa con độc nhất và rèn nó theo kiểu cách rởm, biến cậu thành một kẻ vừa khôi hài vừa đáng thương. Bản chất hồn nhiên, trong sáng của cậu bị bóp nghẹt, kìm hãm nhưng không tắt lịm đi và nó đã vùng lên ở những chương cuối tập truyện.
Chứng kiến bi kịch đổ vỡ của gia đình, sự hèn nhát, giả dối của người cha bị lợi dụng bởi bà tư sản Đơvinon giàu có lẳng lơ. Cậu đã ngạc nhiên, đau khổ dằn vặt rồi dũng cảm phản kháng những gông cùm ấy, quyết tự lập và đã đến Paris với khát vọng tự do mãnh liệt để tìm lý tưởng cuộc đời mình.
“Cậu Tú” (448 trang – 33 chương) miêu tả những ngày Jacques sống ở Paris. Đó là những ngày cay đắng thiếu thốn, gõ cửa khắp nơi để kiếm việc làm. “Cậu tú” đã phải làm đủ mọi việc: trông trẻ, dạy vỡ lòng, quét dọn, bán báo, rồi viết báo nhưng vẫn đói rét, tả tơi. Bất ngờ được thừa kế gia tài 13.000 frăng của một người cô, Jacques đã mua “tự do” từ cha mẹ mình - những người bảo hộ khi cậu chưa hết tuổi vị thành niên - và trở lại Paris thực hiện lý tưởng chiến đấu của mình. Nhưng số tiền 500 frăng đã nhanh chóng hết, Jaques lại tiếp tục vừa kiếm việc làm vừa làm báo, hoạt động chính trị. Đói rét không làm cậu bán rẻ lương tâm. Chỉ sau cái chết của cha, Jacques mới “đầu hàng” trở về Nantes làm giám thị theo mong mỏi của mẹ.
Trong “Người khởi nghĩa” (311 trang), chịu đựng cuộc sống tẻ nhạt giả dối ấy chỉ vài tháng, Jacques đã “nổi loạn” bảo học trò “không nên học bất cứ cái gì mà ngành giáo dục yêu cầu” (Trang 17 – tập 3) và bị đuổi việc, bị ném trở lại vỉa hè Paris. Jacques đã đến với cách mạng công xã trong những ngày đầy biến động ấy, đã hăng say reo hò vang dậy, viết báo hô hào nhân dân Paris đứng lên trên chiến lũy lật đổ cái xã hội đày đọa con người. Cùng với các chiến hữu của mình – những người thợ thông minh quả cảm – và nhân dân, Jacques đã chiến đấu trong những ngày đẫm máu nhất, và trốn thoát khi công xã thất bại.
“Cậu Tú” là kết quả logic của “Chú bé” và tất yếu dẫn đến “Người khởi nghĩa”. Bộ ba tiểu thuyết này đã phản ánh chân thực cuộc đời Jules Vallès, đồng thời cũng sáng tạo được một điển hình về con đường tất yếu của người trí thức đến với nhân dân lao động. Ông đã khai sáng loại tiểu thuyết miêu tả sự vận động có tính cách mạng của tính cách những con người gắn bó vận mệnh mình với vận mệnh nhân dân lao động. Đó là một đóng góp đặc biệt quan trọng vào Văn học Hiện thực Xã hội chủ nghĩa thế kỉ XIX, mở đầu cho Văn học anh hùng của thế kỉ XX.
Với bút pháp nghệ thuật nhiều giọng điệu: xót xa, đau đớn ở tập I, chế giễu, châm biếm, hài hước ở tập II và sảng khoái, reo vui, đanh thép, phẫn nộ ở tập III, bộ tiểu thuyết đã khẳng định sự sụp đổ của giai cấp tư sản thống trị, khẳng định sức mạnh nhân dân. Đặc biệt, Jules Vallès còn xây dựng được hình tượng bất diệt đẹp đẽ, dũng mãnh với tấm lòng hi sinh vô bờ của người chiến sĩ công xã Paris kiên cường. Tuy nhiên, Vallès vẫn còn những quan niệm lệch lạc về tự do khi cho rằng “Vô kỉ luật là linh hồn của những cuộc đấu tranh của quần chúng”. Vallès chiến đấu mà không có ánh sáng của một học thuyết đúng đắn dẫn đường nên cuối cùng vẫn chỉ là một “người nổi loạn”, một “người lính không số hiệu”. Nhưng khác với Victor Hugo đã bàng hoàng không sao hiểu nổi hành động của những người “xông lên đoạt trời” để rồi chỉ xót xa bênh vực đề nghị ân xá các chiến sĩ công xã. Vallès với tư cách một nhà văn, một nhà báo, một người chiến sĩ công xã đã không đứng bên lề mà chiến đấu bằng tất cả trái tim nhiệt huyết phẫn nộ của mình, bằng ngòi bút sắc bén, bằng hành động kiên cường, giương cao ngọn cờ bất diệt của Công xã Paris.
Cho đến nay, đọc lại tác phẩm của ông, ta không khỏi xót xa, xúc động, thông cảm lẫn yêu mến, tự hào, biết ơn nhà văn cách mạng – người đã vẽ nên bức tranh lịch sử hùng hồn nhất – tấm gương cách mạng vô sản thế giới vĩ đại mà chính Marx, Lenine và Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta vô cùng trân trọng, nhắc nhở trong các tác phẩm chính luận của mình. Ông mãi là một “Homerè của sự khốn cùng” mở đầu cho Văn học Hiện thực Xã hội chủ nghĩa của chúng ta mà đại văn hào Marxim Gorki có lẽ là người kế thừa đầu tiên thể loại tự truyện này trong bộ ba tác phẩm nổi tiếng : Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trừơng đại học của tôi ?
Thành phố Hồ Chí Minh, 14/5/2001
Hoàng Kim Oanh
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đỗ Đức Hiểu (1978), Văn học Công xã Paris NXB ĐH & THCN.
2. Jules Vallès (1995), Kẻ bất bình (Jacques Vingtras) 3 tập Trần Dần dịch, NXB Văn học.
3. Thái Thu Lan (1971), Giuyn Valét, nhà văn lớn người chiến sĩ kiên cường của công xã Pa-ri, Tạp chí Văn học số 2/71.
4. Từ điển Văn học (1984), Tập 1, 2 – NXB KHHN.
5. Phùng Văn Tửu (1978), Vic-to Huy-gô, NXB GD.
Phụ lục: Quốc tế ca
http://www.antiwarsongs.org/confronta.php?id=2003&ver=3427&lang=en
Lời tiếng Pháp
Debout, les damnés de la terre
Debout, les forçats de la faim
La raison tonne en son cratère
C'est l'éruption de la fin
Du passé faisons table rase
Foules, esclaves, debout, debout
Le monde va changer de base
Nous ne sommes rien, soyons tout
C'est la lutte finale
Groupons-nous, et demain
L'Internationale
Sera le genre humain
Il n'est pas de sauveurs suprêmes
Ni Dieu, ni César, ni tribun
Producteurs, sauvons-nous nous-mêmes
Décrétons le salut commun
Pour que le voleur rende gorge
Pour tirer l'esprit du cachot
Soufflons nous-mêmes notre forge
Battons le fer quand il est chaud
C'est la lutte finale
Groupons-nous, et demain
L'Internationale
Sera le genre humain
L'état comprime et la loi triche
L'impôt saigne le malheureux
Nul devoir ne s'impose au riche
Le droit du pauvre est un mot creux
C'est assez, languir en tutelle
L'égalité veut d'autres lois
Pas de droits sans devoirs dit-elle
Egaux, pas de devoirs sans droits
C'est la lutte finale
Groupons-nous, et demain
L'Internationale
Sera le genre humain
Hideux dans leur apothéose
Les rois de la mine et du rail
Ont-ils jamais fait autre chose
Que dévaliser le travail
Dans les coffres-forts de la bande
Ce qu'il a créé s'est fondu
En décrétant qu'on le lui rende
Le peuple ne veut que son dû.
C'est la lutte finale
Groupons-nous, et demain
L'Internationale
Sera le genre humain
Les rois nous saoulaient de fumées
Paix entre nous, guerre aux tyrans
Appliquons la grève aux armées
Crosse en l'air, et rompons les rangs
S'ils s'obstinent, ces cannibales
A faire de nous des héros
Ils sauront bientôt que nos balles
Sont pour nos propres généraux
C'est la lutte finale
Groupons-nous, et demain
L'Internationale
Sera le genre humain
Ouvriers, paysans, nous sommes
Le grand parti des travailleurs
La terre n'appartient qu'aux hommes
L'oisif ira loger ailleurs
Combien, de nos chairs se repaissent
Mais si les corbeaux, les vautours
Un de ces matins disparaissent
Le soleil brillera toujours.
C'est la lutte finale
Groupons-nous, et demain
L'Internationale
Sera le genre humain
--------------
Lời tiếng Việt
Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!
Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn!
Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi.
Quyết phen này sống chết mà thôi.
Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành
Toàn nô lệ vùng đứng lên đi.
Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa
Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình.
Đấu tranh này là trận cuối cùng
Kết đoàn lại để ngày mai
L'Anh-te(rơ)-na-xi-o-na-lơ
Sẽ là xã hội tương lai.
Đấu tranh này là trận cuối cùng
Kết đoàn lại để ngày mai
L'Anh-te(rơ)-na-xi-o-na-lơ sẽ là xã hội tương lai.
Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF
L'internationale http://www.youtube.com/watch?v=EpgrO-tieGM&feature=related
Trích từ http://vn.360plus.yahoo.com/hatkao1203/article?mid=68 -> Mình thích gã này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét