Từ thực tế…
Hai phiên giao dịch vừa qua, REE tạo nên đột biến trong phiên giao dịch và trở thành cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất sàn HOSE. Hiện tượng REE tăng giá mạnh xuất phát từ thông tin sẽ tiến hành chia cổ tức bằng tiền, chia thưởng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt và phát hành trái phiếu chuyển đổi. Cụ thể REE có kế hoạch chia thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, trả cổ tức bằng tiền đợt 2 năm 2009 tỷ lệ 20% và phát hành 810,418 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Ngoài ra REE sẽ phát hành 8 triệu CP cho nhân viên chủ chốt trong công ty với giá 12.000 đồng/cổ phiếu.
Vài ngày trước, tin KLS chia thưởng cũng khiến mã CP này làm mưa làm gió trong nhóm CP ngành tài chính ngân hàng, sắp tới đây, tin chia tách và thưởng CP của PET, MAC, SSI… cũng làm nhà đầu tư điên đảo tranh nhau mua trần cổ phiếu cho đầy danh mục cho mình…
Không phải đến tận bây giờ, thông tin về việc chia thưởng mới tạo ra tâm lý cầu lớn vào CP như hiện tại, có lẽ ngay từ khi hình thành TTCK Việt Nam, nhà đầu tư đã có xu hướng thích CP có thông tin chia tách, thưởng cổ phiếu bởi họ vẫn quan niệm rằng, cổ phiếu sắp chia, có thưởng là cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt. Tiện sự kiện REE hôm qua, tôi muốn đi sâu vào phân tích và làm rõ: liệu việc chia tách, thưởng cổ phiếu này có màu nhiệm và triển vọng đến thế?
Bản chất của việc chia tách, thưởng cổ phiếu?
Chia tách cổ phiếu hay còn gọi là chia nhỏ cổ phiếu, đó là một hành động của một công ty làm tăng số lượng cổ phiếu hiện đang lưu hành (outstanding shares). Tuy nhiên, mức vốn hóa của cổ phiếu (stock's market capitalization) vẫn không thay đổi. Các tỉ số phổ biến của việc phân chia là 2:1, 3:1, 3:2 (hay còn thường được gọi là chia thưởng 50%, 40%,30%).
Tách gộp CP đã xuất hiện từ những năm 30 của thế kỷ XX ở những tập đoàn nổi tiếng và lâu đời. Vụ tách cổ phiếu sớm nhất diễn ra tại IBM vào tháng 2-1926 với tỷ lệ cứ 3:1. Vào tháng 4 cùng năm công ty năng lượng Edison ở Anh cũng tiến hành tách cổ phiếu với tỷ lệ cao hơn 4:1. Sau đó là đến năm 1956 hãng Disney cũng thực hiện vụ tách cổ phiếu lần đầu tiên với tỷ lệ 2:1; tiếp theo đó là nhà khổng lồ Ford Motor vào năm 1962, Texas Instruments tháng 11/1963, tập đoàn PepsiCola năm 1967... Thị trường chứng khoán thế giới đã đi trước Việt Nam hàng nửa thế kỷ, và nghiệp vụ tách gộp cổ phiếu cũng xuất hiện sớm hơn ở Việt Nam bằng đó thời gian.
Diễn biến giá cổ phiếu quanh thời điểm chia tách thường trải qua năm giai đoạn:
Giai đoạn 1: Trước khi công bố thông tin chia tách, một số nhà đầu tư có thông tin nội gián hoặc nghe ở đâu đó và mua cổ phiếu vào. Lúc đó giá cổ phiếu chưa lên mạnh.
Giai đoạn 2: Khi thông tin chia tách được chính thức công bố, lúc đó nhiều nhà đầu tư bắt đầu mua vào và làm giá cổ phiếu tăng mạnh.
Giai đoạn 3: Khi giá cổ phiếu tăng mạnh, đến một lúc nào đấy thì nhà đầu tư ngắn hạn chợt nhận thấy đã thoả mãn với kỳ vọng và bán ra. Lúc này giá cổ phiếu đi xuống.
Giai đoạn 4: Đến thời gian cận kề chia tách, các nhà đầu tư nhận thấy đến thời điểm chia tách thì lại lao vào mua. Lúc này có sự tham gia của các nhà đầu tư mới và các nhà đầu tư ngắn hạn quay trở lại khiến giá lại tăng mạnh.
Giai đoạn 5: Ngay sau khi chia tách, giá cổ phiếu có sự điều chỉnh thấp nên thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới mua vào khiến giá có thể cao lên một chút rồi sau đó giá lại đi xuống. Lúc này, giá cổ phiếu sẽ đi dần vào sự ổn định để chờ đợi những thông tin mới.
Cổ phiếu thưởng là cổ phiếu được chia theo cổ tức. Cổ phiếu thưởng không được coi là cổ tức thực sự bởi vì cổ tức này không được thanh toán bằng tiền. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ làm tăng đến số lượng cổ phiếu lưu hành mà các cổ đông nắm giữ. Chính vì thế, nó làm giảm giá trị của mỗi cổ phiếu sau khi chia.
Bản chất câu chuyện cổ phiếu thưởng là công ty giữ lợi nhuận để lại, là thu nhập chưa phân phối của cổ đông hiện hữu, để tái đầu tư, thông qua hình thức bỏ vào vốn chủ sở hữu và phát hành thêm cổ phiếu. Việc này thường được công ty thực hiện khi cổ phiếu bị định giá cao hơn giá trị thực tế. Hình ảnh ép cổ đông phải mua là rất đúng, vì rõ ràng nếu không mua để bình quân giá, nhà đầu tư có nguy cơ mắc kẹt ở mức giá cao hơn. Giá cổ phiếu đương nhiên giảm, vì giá phát hành cổ phiếu thưởng thường rẻ hơn thị giá.
Như năm nay STB sẽ tăng vốn từ 6.700 tỉ đồng lên 9.179 tỉ đồng bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu 15%/vốn cổ phần, phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu 20% vốn cổ phần, với giá 12.000 đồng/CP theo tỷ lệ 10:2, và 2% phát hành cho cán bộ cốt cán trong ngân hàng. Hoặc TS4 phát hành hơn 2,8 triệu cổ phiếu với mức giá 20.000 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 3:1. PHT dự kiến quý 1 phát hành thêm 9 triệu CP tăng vốn điều lệ, trong đó chào bán 2,75 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/CP với tỷ lệ phân phối 4:1. Vincom phát hành thêm khoảng 400 tỉ đồng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1.000:202, với giá bằng mệnh giá…
Tỉnh ngộ dần sau cơn điên
TTCK Việt Nam với khối lượng giao dịch ở qui mô nhỏ dễ dàng nhạy cảm với một đột biến về cung hoặc cầu. Trước đây, việc chia tách cổ phiếu cho cổ đông của REE hay SAM đều tạo nên một khối lượng cung đột biến, làm cho giá cổ phiếu bị giảm ngay sau khi chia tách. Khi thị trường suy thoái thì lượng cầu yếu hơn nhiều so với lượng cung và khi doanh nghiệp có kế hoạch chia tách, thưởng, tức là tăng lượng cung. Và theo lý thuyết cơ bản khi lượng cung lớn hơn lượng cầu thì tất yếu giá phải giảm. Nhà đầu tư và thị trường đã chứng kiến việc giá giảm mạnh của nhiều cổ phiếu khi gần đến ngày chốt quyền và sau khi chốt quyền. Việc phản ứng của thị trường như vậy đã khiến không ít các nhà đầu tư thua lỗ do mua vào ở giá cao khi cổ phiếu này gần đến ngày chốt quyền. Diễn biến giá chẳng những không tăng mà còn ngày càng giảm khi đến sát ngày chốt quyền, buộc họ phải bán đi với mức lỗ lớn hoặc trở thành nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ.
Thăng trầm trên thị trường chứng khoán trong ba năm qua, ít nhiều, giúp nhà đầu tư hiểu ra rằng, trả cổ tức bằng cổ phiếu hay cổ phiếu thưởng, thực chất là nồi cháo pha loãng. Chia tách cổ phiếu cũng chỉ là đem tiền mình từ túi to chia ra nhiều túi nhỏ… vẫn của mình! Tất nhiên, nồi cháo pha có ngon hay không phụ thuộc vào chiến lược phát triển và khả năng sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Do vậy, trong mùa đại hội năm nay, họ bắt đầu lên tiếng về kế hoạch sử dụng vốn như một vài cổ đông của Sacombank: họ bày tỏ mong muốn được nhận cổ tức bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu, cũng như việc phát hành cổ phiếu tăng vốn gây ít nhiều khó khăn cho họ.
Thông thường, các doanh nghiệp khi tăng vốn có thể có được nguồn thặng dư tốt nhất bằng cách chào bán riêng lẻ với mức giá cạnh tranh cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đầu năm nay nghị định số 1/2010 về chào bán cổ phần riêng lẻ quy định, số lượng nhà đầu tư được chào bán phải dưới 100 nhà đầu tư (không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) và hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Thời gian buộc phải nắm giữ khá dài không kích thích người mua, các công ty khó tìm được nhà đầu tư thoả điều kiện, trừ phi nhà đầu tư chiến lược chủ động tìm tới, một nhà tư vấn tài chính nhận xét: Với một nhà đầu tư, tổng lợi nhuận (TSR) một cổ phiếu đem lại trong một năm có thể tính theo lợi tức nhận được và thị giá cổ phiếu thay đổi trong năm. Từ cách tiếp cận này, báo cáo đánh giá về tổng lợi nhuận do công ty cổ phần StoxPlus công bố trung tuần tháng 3, cho thấy, trong năm 2009, các cổ phiếu có mức vốn hoá lớn chỉ mang lại 27% lợi nhuận cho nhà đầu tư, thấp hơn mức trung bình 61% của VN-Index. Thậm chí tổng lợi nhuận của nhóm ngân hàng, theo báo cáo này, giảm 11,3%. Báo cáo chỉ ra: “Tác động của việc chi trả cổ tức bằng tiền tác động lên việc tăng giá cổ phiếu lớn hơn dự đoán”. Theo đó, cổ phiếu có mức tăng giá mạnh đều có tỷ lệ chi trả cổ tức cao hơn. 66 công ty ở sàn TP.HCM không trả cổ tức bằng tiền mặt, chỉ đem lại cho cổ đông tổng lợi nhuận 4% trong khi các công ty chi trả cổ tức bằng tiền mang lại tổng lợi nhuận 112%.
“Hiện tôi chưa tin lắm vào khả năng hấp thụ của thị trường về những cổ phiếu mới này. Đây là một lý do khiến đa số công ty có kế hoạch phát hành bằng mệnh giá tăng vốn, một cách “ép” cổ đông phải mua”, ông Dominic Scriven, tổng giám đốc Dragon Capital nói. Trong bối cảnh bức tranh chính sách tiền tệ chưa rõ, lãi suất ngân hàng đang ở mức 17 – 18%/năm, chỉ số giá tiêu dùng hai tháng đầu năm khá cao, thanh khoản ngân hàng chưa ổn định… nhà đầu tư chưa sẵn sàng mua cổ phiếu phát hành mới mà mong muốn nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao. “Vì vậy, với họ tiền mặt vẫn đứng đầu, thay vì phải nắm giữ cổ phiếu”, ông nói.
Xét theo bối cảnh "khát vốn" của DN Việt nam hiện nay, việc tham gia trên TTCK là cần thiết nhưng không phải là tiên quyết. Nếu việc chia tách cổ phiếu nhằm tạo động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp thì đó là một việc nên làm. Còn nếu việc chia tách cổ phiếu chỉ là làm cho giá cổ phiếu giảm xuống để tạo cho việc mua bán trên thị trường chứng khoán được dễ dàng hơn thì đây chưa phải lúc. Vấn đề quan trọng và trước tiên hiện nay là mang lại sự phát triển ổn định cho công ty trước khi tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá trên thị trường.
Tuy nhiên, với dự báo khả quan về tăng trưởng kinh tế, tốc độ phát triển mạnh của các cổ phiếu niêm yết thì tôi cho rằng, nhà đầu tư không nên phớt lờ thông tin chia tách mà đây là cơ hội không phải tranh mua các cổ phiếu tốt, có vị thế cao trong ngành mà lại có thông tin chia tách, quyền mua với một kế hoạch huy động và sử dụng vốn vào các dự án khả thi.
www.SAGA.vn - link_stock
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét